3. Một ngày trong đời của Adam và Eva

Để hiểu được bản chất, lịch sử và tâm lý của mình, chúng ta phải vào trong bộ óc của những tổ tiên săn bắt hái lượm. Trong gần như toàn bộ lịch sử loài người, Sapiens sống sót bằng cách lang thang kiếm ăn. 200 năm qua, ngày càng nhiều Sapiens kiếm sống với tư cách người lao động thành thị và nhân viên công sở, và trước đó 10.000 năm, đa phần Sapiens kiếm ăn bằng cách trồng trọt và chăn nuôi, nhưng đó chỉ như cái chớp mắt so với hàng chục ngàn năm tổ tiên chúng ta săn bắt và hái lượm.

Ngành tâm lý học tiến hoá đang hưng thịnh lập luận rằng nhiều đặc điểm xã hội và tâm lý ngày nay của chúng ta đã được định hình trong suốt thời kỳ tiền nông nghiệp kéo dài. Thậm chí ngày nay, các học giả trong lĩnh vực này còn tuyên bố rằng bộ não và trí óc của chúng ta đã thích nghi với một cuộc sống săn bắt và hái lượm. Thói quen ăn uống, những xung đột và tình dục của chúng ta là kết quả của cách thức mà bộ não săn bắt hái lượm tương tác với môi trường hậu công nghiệp hiện tại, với các siêu đô thị, máy bay, điện thoại và máy vi tính. Môi trường này mang lại cho chúng ta điều kiện vật chất tốt hơn và sống thọ hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây, nhưng lại thường làm cho chúng ta cảm thấy cô độc, chán nản và áp lực. Để hiểu được tại sao, các nhà tâm lý học tiến hoá cho rằng chúng ta cần phải đi sâu vào thế giới hái lượm đã định hình minh, một thế giới vẫn còn tồn tại trong tiềm thức của mỗi người.

Tại sao, chẳng hạn như con người vốn yêu thích thực phẩm có hàm lượng calo cao, không tốt cho cơ thể của họ? Các xã hội giàu có ngày nay đang bị bệnh dịch béo phì hành hạ, và nó đang nhanh chóng lan rộng ra các nước đang phát triển. Lý do khiến chúng ta ăn lấy ăn để thực phẩm ngọt và bổ béo nhất có thể tìm được chẳng có gì bí ẩn, nếu xem xét các thói quen ăn uống của tổ tiên xa xưa. Trong các thảo nguyên và cánh rừng nơi họ cư ngụ, những đồ ngọt có hàm lượng calo cao cực kỳ khan hiếm và thực phẩm nói chung chỉ đủ dùng. 30.000 năm trước đây, một người kiếm ăn điển hình chỉ có thể tiếp cận một loại thức ăn ngọt duy nhất – trái cây chín. Nếu một phụ nữ Thời kỳ Đồ đá tìm thấy một cây sung trĩu quả, điều hợp lý nhất nên làm là phải ăn nhiều nhất có thể ngay tại chỗ, trước khi đám khỉ đầu chó gần đó vặt sạch quả trên cây. Bản năng ăn ngấu nghiến các thực phẩm có lượng calo cao đã được đóng khung vào gen của chúng ta. Giờ đây chúng ta có thể đang sống trong những căn hộ cao tầng với tủ lạnh thừa mứa thực phẩm, nhưng ADN của chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta đang ở trong thảo nguyên. Đó là lý do khiến cho chúng ta muốn ăn hết một cốc kem Ben & Jerry ngay khi tìm thấy trong tủ lạnh và sau đó nó trôi tuột xuống họng cùng với một cốc Cola lớn.

Lý thuyết “gen phàm ăn” này được chấp nhận rộng rãi. Các giả thuyết khác vấp phải tranh cãi nhiều hơn. Ví dụ, một số nhà tâm lý học tiến hoá cho rằng các bầy người cổ đại không được cấu tạo bởi các gia đình hạt nhân, xoay quanh một đôi vợ chồng. Thay vào đó, những người hái lượm sống trong các cộng đồng không có tư hữu, không có mối quan hệ một vợ một chồng và thậm chí cả tình phụ tử. Trong một bộ lạc như vậy, một nữ giới có thể có quan hệ tình dục và hình thành liên kết mật thiết với một số nam giới (và nữ giới) cùng lúc, và tất cả những người trưởng thành của bầy cùng hợp tác trong việc nuôi dạy con cái. Vì không có nam giới nào biết chắc chắn đâu là con mình, nên họ thể hiện mối quan tâm bình đẳng với mọi đứa trẻ.

Một Cấu trúc xã hội như vậy chẳng phải là một điều không tưởng. Nó đã được nghiên cứu khá chi tiết, đặc biệt là ở họ hàng gần nhất của chúng ta, tinh tinh và tinh tinh lùn. Thậm chí còn có một số nền văn hoá của con người ngày nay, trong đó thực hành việc làm cha tập thể, ví dụ như thổ dân Barí ở châu Mỹ. Theo niềm tin ở những xã hội kiểu này, một đứa trẻ không được sinh ra từ tinh trùng của một nam giới duy nhất mà là từ sự tích tụ của nhiều tinh trùng trong tử cung của nữ giới. Một người mẹ tốt sẽ quan hệ tình dục cùng thời điểm với nhiều nam giới khác nhau, đặc biệt là khi cô ta đang mang thai, do đó con của cô ta sẽ được thừa hưởng những phẩm chất (và cả kĩ năng chăm sóc con cái) không chỉ đơn thuần từ các thợ săn tốt nhất, mà từ người kể chuyện hay nhất, những chiến binh mạnh nhất và những người tình chu đáo nhất. Nếu điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, hãy nhớ rằng trước khi các nghiên cứu hiện đại về phôi thai phát triển, người ta không có bằng chứng chắc chắn rằng các em bé luôn được sinh ra bởi một người cha duy nhất hơn là bởi nhiều người.

Những người ủng hộ giả thuyết về “cộng đồng cổ đại” này lập luận rằng những sự không chung thủy thường xuyên là đặc trưng của hôn nhân hiện đại, và tỉ lệ ly hôn cao, chưa kể những mặc cảm tâm lý mà cả trẻ em và người lớn đều chịu ảnh hưởng, thường bắt nguồn từ việc ép con người phải sống trong các gia đình hạt nhân và có các mối quan hệ thủy chung, vốn không tương thích với phần mềm sinh học của chúng ta.

Nhiều học giả đã cực lực bác bỏ lý thuyết này, nhấn mạnh rằng cả hai đặc điểm một vợ một chồng và sự hình thành gia đình hạt nhân là cốt lõi trong hành vi của con người. Mặc dù xã hội săn bắt hái lượm cổ đại có xu hướng xã hội hoá hơn và bình đẳng hơn so với các xã hội hiện đại, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng xã hội đó vẫn bao gồm các tế bào riêng biệt, mỗi tế bào có chứa một cặp vợ chồng ghen tuông và những đứa trẻ mà họ có chung với nhau. Đây là lý do mà ngày nay các mối quan hệ một vợ một chồng và gia đình hạt nhân là chuẩn mực trong hầu hết các nền văn hoá, tại sao đàn ông và phụ nữ có xu hướng muốn sở hữu đối tác và con cái của họ, và thậm chí tại sao trong một xã hội hiện đại như Bắc Triều Tiên và Syria, quyền lực chính trị lại là cha truyền con nối.

Để giải quyết cuộc tranh cãi này và hiểu về đời sống tình dục, xã hội và chính trị của con người, chúng ta cần phải tìm hiểu về điều kiện sống của tổ tiên mình nhằm khám phá xem họ sống như thế nào vào thời điểm từ Cách mạng Nhận thức cách đây 70.000 năm tới sự khởi đầu Cách mạng Nông nghiệp cách đây khoảng 12.000 năm.

*

Thật không may, chúng ta không biết nhiều về cuộc sống phiêu bạt kiếm ăn của tổ tiên mình. Cuộc tranh luận giữa hai trường phái “cộng đồng cổ đại” và “một vợ một chồng chung thủy” dựa trên bằng chứng mong manh. Chúng ta rõ ràng là không có tài liệu thành văn nào về thời đại hái lượm, còn các bằng chứng khảo cổ thì chỉ bao gồm chủ yếu các xương hoá thạch và các công cụ bằng đá. Các đồ chế tác bằng vật liệu dễ hỏng hơn – như gỗ, tre hoặc da – chỉ còn sót lại trong những điều kiện vô cùng hiếm hoi. Ấn tượng phổ biến rằng con người thời kỳ tiền nông nghiệp sống trong thời đại chuyên dùng đồ đá là một quan niệm sai lầm dựa trên thiên kiến khảo cổ này. Thời kỳ Đồ đá nên được gọi chính xác hơn là Thời kỳ Đồ gỗ, vì hầu hết các công cụ được sử dụng bởi người săn bắt hái lượm cổ xưa được làm bằng gỗ.

Bất kỳ sự tái tạo nào về đời sống của người săn bắt hái lượm cổ đại từ những di vật còn sót lại đều rất có vấn để. Một trong những sự khác biệt rõ ràng nhất giữa các cư dân cổ đại với hậu duệ của nền văn minh nông nghiệp và công nghiệp, là người cổ đại có rất ít đồ tạo tác và chúng đóng một vai trò nhỏ trong cuộc sống của họ. Trong suốt đời mình, một thành viên điển hình của một xã hội hiện đại giàu sang có thể sở hữu hàng triệu đồ dùng – từ xe hơi, nhà ở cho tới tã dùng một lần, thậm chí là hộp sữa. Hầu như không có hoạt động, niềm tin, hoặc thậm chí là cảm xúc nào lại không được kết nối thông qua những đồ vật do chúng ta tự chế tạo ra. Thói quen ăn uống của chúng ta được hình thành bởi vô số đồ vật, từ thìa, ly đến các phòng thí nghiệm kĩ thuật di truyền và các con tàu đi biển khổng lồ. Trong giải trí, chúng ta sử dụng rất nhiều đồ chơi, từ thẻ nhựa tới sân vận động 100.000 chỗ ngồi. Các mối quan hệ lãng mạn và tình dục của chúng ta được trang bị đầy đủ bằng nhẫn, giường, quần áo đẹp, đồ lót quyến rũ, bao cao su, nhà hàng thời trang, nhà nghỉ giá rẻ, phòng chờ sân bay, hội trường đám cưới và các công ty tiệc cưới. Tôn giáo mang sự linh thiêng vào đời sống chúng ta bằng các nhà thờ Gothic, thánh đường Hồi giáo, đạo tràng Hindu, kinh Torah, bánh xe cầu nguyện Tây Tạng, áo lễ linh mục, nến, hương, cây Giáng sinh, thịt viên, bia mộ và các biểu tượng.

Chúng ta hầu như không nhận thấy sự tràn ngập của những vật dụng này cho đến khi phải chuyển chúng đến một ngôi nhà mới. Người hái lượm chuyển nhà mỗi tháng, mỗi tuần, và đôi khi thậm chí mỗi ngày, mang theo bất cứ thứ gì họ có trên lưng. Không có công ty chuyển nhà, xe tải, hoặc kể cả động vật thồ để chia sẻ gánh nặng. Do đó, họ phải xoay xở với những đồ dùng thiết yếu nhất. Điều này cũng hợp lý, bởi phần lớn đời sống tinh thần, tôn giáo và tình cảm của họ diễn ra mà không cần sự trợ giúp của các đồ chế tác. Sau 100.000 năm nữa, một nhà khảo cổ học có thể ghép nối những mảnh vụn với nhau thành một bức tranh hợp lý về niềm tin và nghi lễ Hồi giáo từ vô số các đồ dùng được khai quật tại tàn tích thánh đường. Nhưng chúng ta gần như vô vọng khi cố gắng tìm hiểu niềm tin và nghi lễ của những người săn bắt hái lượm cổ đại. Và còn rất nhiều tình huống khó xử tương tự mà một sử gia tương lai sẽ phải đối mặt khi miêu tả đời sống xã hội của những thiếu niên sống ở thế kỷ 21 chỉ dựa hoàn toàn trên thư từ viết tay còn sót lại – vì không có hồ sơ lưu giữ những cuộc trò chuyện điện thoại, email, blog hay tin nhắn.

Do đó, việc phụ thuộc vào những đồ chế tác sẽ không phản ánh đúng cuộc sống săn bắt hái lượm cổ đại. Một cách để khắc phục điều này là nhìn vào những xã hội săn bắt hái lượm hiện đại. Việc này có thể được nghiên cứu trực tiếp bằng quan sát nhân học. Nhưng có nhiều lý do hợp lý để phải rất cẩn thận trong việc ngoại suy từ các xã hội hái lượm hiện đại tới xã hội cổ đại.

Thứ nhất, tất cả các xã hội săn bắt hái lượm còn sót lại đến ngày nay đều bị ảnh hưởng bởi các xã hội nông nghiệp và công nghiệp lân cận. Do đó, giả định rằng những gì đúng với họ thì cũng đúng với hàng chục ngàn năm về trước là khá mạo hiểm.

Thứ hai, xã hội hái lượm hiện đại chỉ tồn tại chủ yếu ở những khu vực có điều kiện khí hậu và địa hình khó khăn, khắc nghiệt, không thích hợp cho nông nghiệp. Các xã hội, đã thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của những nơi như sa mạc Kalahari ở Nam Phi, cũng có thể cung cấp một mô hình dễ gây hiểu nhầm cho sự hiểu biết về các xã hội cổ đại ở những khu vực màu mỡ, như thung lũng sông Dương Tử. Đặc biệt, mật độ dân số ở những nơi như sa mạc Kalahari thấp hơn nhiều so với thung lũng sông Dương Tử thời cổ đại, điều này rất có ý nghĩa với các câu hỏi quan trọng về quy mô và cấu trúc của các bầy người và mối quan hệ giữa họ.

Thứ ba, đặc điểm đáng chú ý nhất của các xã hội săn bắt hái lượm là sự khác biệt giữa xã hội này với xã hội kia. Chúng khác nhau không chỉ giữa vùng này với vùng kia trên địa cầu, mà ngay cả trong cùng khu vực. Một ví dụ điển hình là sự đa dạng rất lớn mà dân định cư châu Âu đầu tiên đã tìm thấy trong các thổ dân châu Úc. Ngay trước cuộc chinh phục của Anh, khoảng 300.000-700.000 cư dân săn bắt hái lượm trên lục địa chia thành 200-600 bộ lạc, mỗi bộ lạc lại được chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn. Mỗi bộ lạc có ngôn ngữ, tín ngưỡng, chuẩn mực và tập quán riêng. Họ sống quanh khu vực bây giờ là Adelaide ở Nam Úc, với nhiều gia tộc phụ hệ, tính dòng dõi theo phía người cha. Những gia tộc này liên kết với nhau thành các bộ lạc dựa trên cơ sở lãnh thổ một cách chặt chẽ. Ngược lại, một số bộ lạc ở Bắc Úc để cao tầm quan trọng của dòng dõi bên mẹ, và bản sắc của một bộ lạc phụ thuộc vào vật tổ chứ không phải là lãnh thổ nơi họ sinh sống.

Có lý khi cho rằng sự đa dạng sắc tộc và văn hoá giữa các bộ lạc săn bắt hái lượm cổ đại khác cũng ấn tượng không kém, và rằng từ 5 tới 8 triệu người hái lượm, sống trên thế giới vào đêm trước của Cách mạng Nông nghiệp, được chia thành hàng ngàn bộ lạc riêng biệt với hàng ngàn ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Sau tất cả, điều này là một trong những di sản chính của Cách mạng Nhận thức. Do biết hư cấu, nên kể cả những người có cùng gen sống trong các điều kiện sinh thái giống nhau cũng có thể tạo ra những thực tế tưởng tượng rất khác nhau, trong đó thể hiện rõ nét các chuẩn mực và giá trị khác nhau.

Ví dụ, có đủ mọi lý do để tin rằng một bầy người hái lượm, sống cách đấy 30.000 năm tại nơi nay là Đại học Oxford, có thể nói một ngôn ngữ khác với cư dân sống ở nơi nay là Đại học Cambridge. Bầy này có thể hiếu chiến trong khi bầy kia lại thích hòa bình. Có lẽ bấy ở Cambridge mang tính chất cộng đồng nhiều hơn, trong khi bầy ở Oxford lại dựa trên gia đình hạt nhân. Dân Cambridge có thể đã dành nhiều giờ để khắc tượng gỗ linh thần giám hộ của họ, trong khi dân Oxford có thể đã tôn thờ bằng những điệu nhảy múa. Dân Cambridge có lẽ tin vào thuyết luân hồi, trong khi dân Oxford lại coi là nhảm nhí. Trong xã hội này các mối quan hệ tình dục đồng tính có thể được chấp nhận, trong khi ở xã hội kia thì điều này lại là cấm kị.

Nói cách khác, mặc dù các quan sát nhân học về những người hái lượm hiện đại có thể giúp chúng ta hiểu phần nào về các khả năng có thể có ở những người hái lượm cổ xưa, bên cạnh chân trời của các khả năng khác mà chúng ta hầu như không quan sát được.* Các cuộc tranh luận sôi nổi về “lối sống tự nhiên” của Homo sapiens lại bỏ lỡ điểm chính yếu. Kể từ Cách mạng Nhận thức, chưa từng có lối sống tự nhiên nào là duy nhất với Sapiens. Chỉ có những lựa chọn văn hoá từ một bảng màu rối rắm của những khả năng có thể xảy ra.

Nguồn gốc xã hội giàu có
Tuy nhiên, chúng ta có thể khái quát được những gì về thế giới thời kỳ tiền nông nghiệp? Dường như có thể tự tin nói rằng đại đa số người dân sống trong các bầy nhỏ với số lượng vài chục hoặc tối đa vài trăm cá nhân, và tất cả họ đều là con người. Điểm này rất đáng lưu ý vì nó không hẳn là hiển nhiên. Hầu hết các thành viên của xã hội nông nghiệp và công nghiệp là các động vật thuần hoá. Tất nhiên là chúng không thể bình đẳng với ông chủ của mình, nhưng chúng cũng là những thành viên như nhau. Ngày nay, xã hội New Zealand có 4,5 triệu Sapiens và 50 triệu con cừu.

Chỉ có một ngoại lệ với quy luật chung này: loài chó. Chó là con vật đầu tiên được Homo sapiens thuần hoá, và điều này xảy ra trước Cách mạng Nông nghiệp. Các chuyên gia không nhất trí về thời điểm chính xác, nhưng chúng ta có bằng chứng không thể chối cãi về loài chó đã được thuần hoá cách đây khoảng 15.000 năm. Chúng có thể đã sống cùng con người sớm hơn cả mốc này hàng ngàn năm.

Loài chó được dùng để đi săn và chiến đấu, để báo động thú dữ và những kẻ đột nhập. Qua nhiều thế hệ, hai loài đã đồng tiến hoá để có thể giao tiếp tốt với nhau. Con chó nào chú ý nhất đến những nhu cầu và cảm giác của con người sẽ được quan tâm hơn, được ăn tốt hơn, và có nhiều khả năng sống sót hơn. Đồng thời, những con chó cũng học được cách lôi kéo con người vì nhu cầu của riêng chúng. Một mối liên kết kéo dài 15.000 năm đã mang lại sự thấu hiểu và cảm tình sâu sắc hơn giữa người và chó hơn bất cứ loài động vật khác. Trong một số trường hợp, những con chó chết đi còn được chôn cất một cách trang trọng, giống như người.

Các thành viên trong một bầy biết nhau rất rõ, và trong suốt cuộc đời, quanh họ là bạn bè và người thân. Sự cô đơn và riêng tư là rất hiếm hoi. Các bầy lân cận có thể cạnh tranh nguồn tài nguyên và thậm chí là đánh nhau, nhưng họ cũng có thể có mối quan hệ thân thiện. Họ trao đổi các thành viên, đi săn cùng nhau, trao đổi những đồ quý hiếm đắt tiền, củng cố liên minh chính trị và tổ chức các ngày lễ tôn giáo. Sự hợp tác này là một trong những đặc trưng quan trọng của Homo sapiens, và đem lại lợi thế cho họ so với những loài người khác. Đôi khi quan hệ với các bầy lân cận chặt chẽ tới mức đủ để họ hợp thành một bộ tộc, chia sẻ một ngôn ngữ chung, những huyền thoại chung, các chuẩn mực và giá trị chung.

Song, chúng ta không nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của các mối quan hệ bên ngoài như vậy. Ngay cả nếu xảy ra khủng hoảng, các bộ lạc láng giềng vẫn có thể xích lại gần nhau hơn, và cho dù thỉnh thoảng họ cũng tụ tập để đi săn hoặc ăn mừng với nhau, họ vẫn dành phần lớn thời gian của mình cho sự hoàn toàn riêng tư và độc lập. Giao dịch chủ yếu giới hạn ở những mặt hàng đáng giá như vỏ sò, hổ phách và bột màu. Không có bằng chứng cho thấy những người này đã giao dịch các loại hàng hoá thiết yếu như trái cây và thịt, hoặc sự tồn tại của bầy này phụ thuộc vào việc thu nhận vật phẩm từ những bầy khác. Quan hệ chính trị xã hội cũng chỉ diễn ra lẻ tẻ. Bộ lạc không phải là một khuôn mẫu chính trị thường trực, và dù có những địa điểm gặp mặt theo mùa, nhưng họ cũng không có các thị trấn hoặc thể chế cố định. Một người bình thường có thể sống nhiều tháng mà không nhìn hoặc nghe thấy một người không thuộc bầy mình, và trong suốt cuộc đời anh ta tiếp xúc với không quá vài trăm người. Quần thể Sapiens trải rộng lác đác trên những vùng lãnh thổ rộng lớn. Trước Cách mạng Nông nghiệp, dân số loài người còn nhỏ hơn cả dân số của Cairo ngày nay.

Hình 6. Con vật nuôi đầu tiên? Một ngôi mộ 12.000 năm tuổi được tìm thấy ở phía Bắc Israel (bảo tàng Kibbutz Ma’ayan Baruch). Trong đó có bộ xương của một phụ nữ 50 tuổi, cạnh đó là một con chó con (góc trên bên phải). Con chó được chôn gần đầu của người này. Bàn tay trái của cô đặt cạnh con chó như để biểu thị một kết nối cảm xúc. Tất nhiên, cũng có những cách giải thích khác. Ví dụ, có lẽ con chó là món quà cho người gác cổng ở thế giới bên kia.

Hình 6. Con vật nuôi đầu tiên? Một ngôi mộ 12.000 năm tuổi được tìm thấy ở phía Bắc Israel (bảo tàng Kibbutz Ma’ayan Baruch). Trong đó có bộ xương của một phụ nữ 50 tuổi, cạnh đó là một con chó con (góc trên bên phải). Con chó được chôn gần đầu của người này. Bàn tay trái của cô đặt cạnh con chó như để biểu thị một kết nối cảm xúc. Tất nhiên, cũng có những cách giải thích khác. Ví dụ, có lẽ con chó là món quà cho người gác cổng ở thế giới bên kia.

Hầu hết các bầy Sapiens sống lang bạt, di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tìm kiếm thức ăn. Sự di chuyển của họ bị ảnh hưởng bởi sự đổi mùa, sự di cư hằng năm của động vật và các chu kỳ sinh trưởng của thực vật. Họ thường qua lại trên vùng lãnh thổ của mình với diện tích từ vài chục tới hàng trăm cây số vuông.

Thỉnh thoảng, các bầy lang thang ra bên ngoài và khám phá những vùng đất mới, đôi khi do thiên tai, xung đột bạo lực, áp lực dân số hay bởi sáng kiến của một thủ lĩnh uy tín. Những chuyến lang thang này chính là động cơ khiến con người lan rộng ra toàn thế giới. Nếu một bộ lạc hái lượm cứ mỗi 40 năm lại chia nhóm, và nhóm tách ra di cư đến một lãnh thổ mới cách 100 km về phía đông, thì chỉ trong khoảng 10.000 năm, con người sẽ định cư khắp từ Đông Phi tới Trung Hoa.

Trong một số trường hợp đặc biệt, khi nguồn thức ăn thực sự phong phú, các bộ lạc định cứ trong suốt mùa và thậm chí là vĩnh viễn. Kĩ thuật phơi khô, hun khói và ướp đông thực phẩm cũng khiến quá trình định cư lâu dài hơn. Quan trọng nhất, dọc các vùng sông biển giàu thủy sản và chim nước, con người lập những làng chài vĩnh viễn – các khu định cư lâu dài đầu tiên trong lịch sử, rất lâu trước Cách mạng Nông nghiệp. Làng chài có thể đã xuất hiện trên những bờ biển của một số hòn đảo Indonesia rất sớm, vào khoảng 45.000 năm trước đây. Đây có thể là bàn đạp để từ đó Homo sapiens thực hiện cuộc vượt đại dương đầu tiên của mình: xâm chiếm lục địa châu Úc.

*

Trong hầu hết các môi trường sống, các bầy Sapiens tự kiếm ăn bằng những cách linh hoạt và cơ hội. Họ đào tổ bắt mối, hái quả, đào rễ cây, bẫy thỏ, săn bò rừng và voi ma-mút. Trái với hình ảnh phổ biến về “những thợ săn”, hái lượm là hoạt động chính của Sapiens, nó cung cấp hầu hết lượng calo cho họ, cũng như các nguyên liệu như đá, gỗ và tre.

Sapiens đã không chỉ tìm kiếm thực phẩm và nguyên vật liệu. Họ còn tìm kiếm kiến thức. Để tồn tại, họ cần một bản đồ chi tiết về lãnh thổ của mình. Để tối đa hoá hiệu quả công việc tìm kiếm thực phẩm hằng ngày, họ cần thông tin về các quy trình phát triển của từng loại cây và các thói quen của mỗi loài vật. Họ cần biết những loại thực phẩm nào ăn được, loại nào độc hại và loại nào dùng để chữa bệnh. Họ cần biết sự tiến triển của các mùa và những dấu hiệu cảnh báo trước của một cơn bão hoặc một đợt khô hạn. Họ đã nghiên cứu mọi dòng suối, cây óc chó, hang gấu và mọi mỏ đá lửa ở xung quanh. Mỗi cá nhân phải biết làm thế nào để tạo ra một con dao bằng đá, làm thế nào để vá một chiếc áo choàng bị rách, làm thế nào để đặt một cái bẫy thỏ, và làm thế nào để đối mặt với tuyết lở, rắn cắn hoặc sư tử đói. Để thuần thục nhiều kĩ năng như vậy bắt buộc phải có nhiều năm học nghề và thực hành. Một người hái lượm cổ đại bình thường có thể biến một cục đá lửa thành một mũi giáo trong vòng vài phút. Khi cố gắng bắt chước thành tựu này, chúng ta thường thất bại thảm hại. Hầu hết chúng ta thiếu kiến thức chuyên sâu về độ sắc cạnh của đá lửa, đá bazan và các kĩ năng chuyển động cần thiết để thực hiện được công việc đó một cách chính xác. Nói cách khác, một người cổ đại trung bình có nền tảng kiến thức rộng hơn, sâu hơn và hiểu biết đa dạng về môi trường xung quanh hơn hầu hết các hậu duệ hiện đại của mình. Ngày nay, đa phần mọi người trong xã hội công nghiệp không cần phải biết nhiều về giới tự nhiên để tồn tại. Bạn có thật sự biết những gì cần cho cuộc sống no đủ khi là một kĩ sư máy tính, một đại lý bảo hiểm, một giáo viên lịch sử hay một công nhân nhà máy? Bạn cần biết rất nhiều về lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình, còn với phần lớn các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, bạn dựa vào sự giúp đỡ của các chuyên gia khác, những người mà kiến thức cũng lại chỉ giới hạn trong chuyên môn hẹp của mình. Vốn kiến thức hôm nay của con người lớn hơn rất nhiều so với các bầy người cổ đại. Nhưng ở cấp độ cá nhân, người hái lượm cổ đại có nhiều kiến thức và khéo léo nhất trong lịch sử.

Có một số bằng chứng cho thấy kích thước trung bình của bộ não Sapiens đã thực sự bị giảm sút so với thời kỳ hái lượm. Sống sót trong thời đại đó đòi hỏi mỗi cá nhân phải có năng lực trí tuệ siêu phàm. Khi nông nghiệp và công nghiệp xuất hiện, con người ngày càng có thể dựa vào kĩ năng của những người khác để tồn tại, và “những chỗ ẩn náu của những kẻ khờ dại” được mở ra. Bạn có thể sống sót và truyền lại các gen chẳng có gì đặc sắc của mình cho thế hệ sau bằng cách làm người vận chuyển nước hoặc công nhân dây chuyển lắp ráp.

Người cổ đại làm chủ không chỉ thế giới xung quanh của các loài động thực vật và những vật dụng, mà còn cả thế giới bên trong cơ thể và các giác quan của chính mình. Họ lắng nghe những chuyển động nhỏ nhất trong đám cỏ để xem liệu có một con rắn đang ẩn náu ở đó hay không. Họ cẩn thận quan sát những tán lá cây rừng nhằm phát hiện các loại trái cây, tổ ong và tổ chim. Họ di chuyển tốn ít sức lực nhất và gây ít tiếng ổn nhất, và biết làm thế nào để ngồi, đi lại và chạy nhảy một cách nhanh nhẹn và hiệu quả nhất. Việc sử dụng đa dạng và liên tục các cơ quan trong cơ thể khiến cho họ cân đối như vận động viên chạy marathon. Họ có nền tảng thể chất mà con người ngày nay không thể đạt được, kể cả sau nhiều năm luyện tập yoga hay khí công.

*

Cuộc sống săn bắt hái lượm khác biệt đáng kể giữa các vùng và các mùa, nhưng về tổng thể, người cổ đại dường như đã tận hưởng một cuộc sống thoải mái hơn và thú vị hơn hầu hết các nông dân, người chân nuôi gia súc, người lao động và nhân viên văn phòng, tất cả đều là hậu duệ của họ.

Trong khi con người trong xã hội giàu có ngày nay làm việc trung bình 40-45 giờ một tuần, và người dân ở các nước đang phát triển phải làm việc 60 và thậm chí 80 giờ một tuần, thì cư dân săn bắt hái lượm còn tồn tại đến hôm nay trong môi trường sống khắc nghiệt nhất, chẳng hạn như sa mạc Kalahari làm việc trung bình chỉ 35-45 giờ một tuần. Họ đi săn chỉ ba ngày một lần và hái lượm chỉ từ ba đến sáu giờ mỗi ngày. Trong điều kiện bình thường, việc đó đủ để nuôi sống cả bầy. Có lẽ người săn bắt hái lượm cổ đại sống trong những khu vực màu mỡ như Kalahari thậm chí còn mất ít thời gian hơn để thu thập thực phẩm và nguyên liệu thô. Trên hết, người cổ đại còn vui vẻ với lượng công việc nội trợ nhẹ nhàng hơn. Họ không có bát đũa để rửa, không có thảm để hút bụi, không có sàn nhà để đánh bóng, không có tã lót để thay và không có hoá đơn để thanh toán.

Nền kinh tế hái lượm mang lại cho hầu hết thành viên cuộc sống thú vị hơn những gì nền nông nghiệp hay công nghiệp làm được. Ngày nay, một công nhân làm việc trong nhà máy ở Trung Hoa rời khỏi nhà khoảng 7 giờ sáng, len lỏi qua các đường phố bị ô nhiễm để đến một xưởng lao động tồi tàn, và làm việc liên tục ở đó trên cùng một chiếc máy, với cùng một kiểu từ ngày này qua ngày khác, trong suốt 10 tiếng dài và căng thẳng, rồi trở về nhà khoảng 7 giờ tối để rửa chén bát và giặt ủi. 30.000 năm trước, một cư dân Trung Hoa cổ đại có thể rời khỏi lều với người bạn mình vào khoảng 8 giờ sáng. Họ có thể đi lang thang trong các khu rừng và đồng cỏ lân cận, hái nấm, đào rễ cây ăn được, bắt ếch và thỉnh thoảng trốn chạy khỏi những con hổ. Đầu giờ chiều, họ quay về lều để làm bữa trưa. Điều này khiến cho họ có rất nhiều thời gian để tán gẫu, kể chuyện, chơi với bọn trẻ và giải trí. Tất nhiên, đôi khi những con hổ vồ được họ, hay một con rắn cắn họ, nhưng mặt khác họ không phải đối phó với tai nạn xe cộ và ô nhiễm công nghiệp.

Ở hầu hết mọi nơi và mọi thời điểm, công cuộc tìm kiếm thức ăn cung cấp chế độ dinh dưỡng lý tưởng. Điều này không ngạc nhiên lắm, vì đây là chế độ ăn uống của con người trong suốt hàng trăm ngàn năm, và cơ thể con người cũng đã thích nghi tốt với nó. Bằng chứng từ các bộ xương hoá thạch chỉ ra rằng người hái lượm cổ xưa thường ít bị chết đói hoặc thiếu dinh dưỡng, và nhìn chung chế độ dinh dưỡng khiến cho họ cao hơn và khỏe mạnh hơn con cháu nông dân của họ sau này. Tuổi thọ trung bình dường như chỉ vào khoảng 40, nhưng điều này phần lớn là do tỉ lệ tử vong cao ở trẻ em. Trẻ em khi đã vượt qua những năm đầu đời nguy hiểm hoàn toàn có cơ hội tốt để sống đến tuổi 60, và một số thậm chí còn sống đến 80. Trong khi đó với người hiện đại, phụ nữ 43 tuổi có thể chỉ sống thêm 20 năm, và chỉ có khoảng 3-8% dân số thọ trên 60 tuổi.

Bí mật thành công của người cổ đại, giúp họ không chết đói và thiếu dinh dưỡng, nằm ở chế độ ăn uống đa dạng của họ. Nông dân thường có một chế độ ăn uống rất hạn chế và không cân bằng. Đặc biệt là trong thời kỳ tiền hiện đại, hầu hết nguồn dinh dưỡng cung cấp cho một xã hội nông nghiệp đến từ một loại cây duy nhất, như lúa mì, khoai tây, gạo. Do đó, họ bị thiếu một số vitamin, khoáng chất và thành phần dinh dưỡng khác cần cho con người. Người nông dân truyền thống điển hình tại Trung Hoa ăn cháo vào bữa sáng, ăn cơm bữa trưa, và lại ăn cơm bữa tối. Nếu may mắn, anh ta có thể mong đợi để ăn giống như thế vào hôm sau. Ngược lại, người cổ đại thường xuyên ăn hàng chục loại thực phẩm khác nhau. Tổ tiên của chúng ta có thể ăn hoa quả và nấm vào bữa sáng; trái cây, ốc sên và rùa dùng để ăn trưa; và thịt thỏ nướng với hành tây dại cho bữa tối. Thực đơn ngày mai có thể hoàn toàn khác. Sự đa dạng này đảm bảo cho người cổ xưa nhân được mọi chất dinh dưỡng cần thiết.

Hơn nữa, do không bị lệ thuộc vào bất kỳ loại thực phẩm duy nhất nào, nên họ ít chịu ảnh hưởng khi một nguồn thực phẩm nào đó biến mất. Các xã hội nông nghiệp sẽ gặp phải nạn đói khi hạn hán, hỏa hoạn, động đất tàn phá vụ lúa hoặc khoai tây cả năm. Xã hội hái lượm khó có thể miễn dịch với các thảm họa tự nhiên, và cũng khổ sở bởi những đợt thiếu thốn và đói khát, nhưng họ thường có thể đối phó với những thảm họa như thế dễ dàng hơn. Nếu họ bị mất một số lượng lương thực đáng kể, họ có thể hái lượm hoặc săn các loài khác, hay chuyển tới một khu vực ít bị ảnh hưởng hơn.

Người hái lượm cổ đại cũng ít chịu các bệnh truyền nhiễm. Hầu hết các bệnh truyền nhiễm được sản sinh ra từ xã hội nông nghiệp và công nghiệp (như bệnh đậu mùa, bệnh sởi và bệnh lao) có nguồn gốc từ động vật được thuần hoá và truyền bệnh cho con người chỉ sau Cách mạng Nông nghiệp. Người hái lượm cổ đại chỉ thuần hoá loài chó, tránh được sự truyền bệnh tai họa này. Hơn nữa, hầu hết mọi người trong các xã hội nông nghiệp và công nghiệp sống trong những khu định cư lâu dài đông đúc, mất vệ sinh, là các hang ổ lý tưởng cho dịch bệnh. Những bầy nhỏ người cổ đại rong ruổi khắp các vùng đất hầu như không thể xuất hiện dịch bệnh.

*

Chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng, tuần làm việc tương đối ngắn, và hiếm gặp các bệnh truyền nhiễm đã khiến nhiều chuyên gia coi các xã hội kiếm ăn tiền nông nghiệp là “xã hội nguyên thủy giàu có”. Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu lý tưởng hoá cuộc sống của người cổ đại. Mặc dù họ đã sống cuộc đời tốt hơn so với hầu hết mọi người trong xã hội nông nghiệp và công nghiệp, nhưng thế giới xung quanh họ có thể vẫn đầy khắc nghiệt và không khoan nhượng. Các giai đoạn thiếu thốn và khó khăn khá phổ biến, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh rất cao, và một tai nạn nhỏ hôm nay có thể dễ dàng biến thành một bản án tử hình. Hầu hết mọi người có thể được hưởng sự thân mật gần gũi khi bầy di cư liên tục, nhưng những người bất hạnh, vốn phải chịu sự thù địch hay nhạo báng của các thành viên trong bầy mình, có thể phải chịu đau khổ. Những kẻ hái lượm hiện đại thi thoảng bỏ mặc, hoặc thậm chí giết hại người già cả hoặc người tàn tật nếu họ không thể theo kịp bầy. Trẻ sơ sinh và trẻ em không mong muốn đều có thể bị giết, và thậm chí có những trường hợp hiến tế người vì lý do tôn giáo.

Những người Aché săn bắt hái lượm, sống trong các khu rừng của Paraguay cho đến thập niên 1960, đem đến một góc nhìn đen tối về cuộc sống hái lượm. Khi một thành viên quan trọng trong bộ lạc chết đi, người Aché có phong tục giết chết một cô bé và chôn cả hai cùng nhau. Các nhà nhân học đã phỏng vấn cư dân Aché, ghi nhận một trường hợp trong đó một bầy đã bỏ rơi người đàn ông trung niên bị ốm và không thể theo kịp những người khác. Ông ta đã bị để lại dưới gốc cây. Kền kền vây quanh ông ta, chờ đợi một bữa ăn thịnh soạn. Nhưng người đàn ông đó đã hồi phục, run rẩy bước đi, và ông ta đã xoay xở để tái hòa nhập bẩy. Cơ thể của ông ta dính đầy phân chim, từ đó ông ta có biệt danh là “Phân Kền Kền”.

Khi một phụ nữ Aché già yếu trở thành gánh nặng cho bầy, một thanh niên có thể giết bà ta bằng cú đánh vào đầu với chiếc rìu từ đằng sau. Một người đàn ông Aché kể cho các nhà nhân học hiếu kỳ những câu chuyện thời trai trẻ của mình trong rừng nhiệt đới. “Tôi thường giết chết các bà già. Tôi cũng đã giết các dì của tôi… Phụ nữ sợ tôi… bây giờ, ở đây với người da trắng, tôi đã trở nên yếu ớt”. Trẻ em sinh ra không có tóc bị coi là kém phát triển, bị giết chết ngay lập tức. Một phụ nữ kể lại rằng đứa con đầu lòng của cô bị giết vì những người đàn ông trong bầy không muốn có thêm một bé gái. Trong trường hợp khác, một người đàn ông đã giết một cậu bé vì ông ta “đang chán đời còn đứa trẻ thì lại khóc”. Một đứa trẻ khác bị chôn sống vì “trông nó buồn cười và những đứa khác cười nhạo nó”.

Dù vậy, chúng ta nên cần trọng, không nên phán xét vội vàng về người Aché. Các nhà nhân học đã sống với họ trong nhiều năm cho biết bạo lực giữa những người lớn hiếm khi xảy ra. Cả nữ giới và nam giới có thể tự do thay đổi đối tác theo ý muốn. Họ cười và cười liên tục, không có hệ thống phân tầng lãnh đạo, và thường xa lánh những kẻ độc đoán. Họ rất hào phóng với số của cải ít ỏi của mình, và không bị ám ảnh bởi sự thành công hay giàu có. Những điều họ coi là giá trị nhất trong đời là mối quan hệ xã hội tốt và tình bạn chân thành. Họ coi việc giết hại trẻ em, người bệnh và người già giống như chúng ta ngày nay nhìn nhận việc phá thai và cái chết nhân đạo. Cũng nên lưu ý rằng nông dân Paraguay săn đuổi và giết người Aché không thương tiếc. Buộc phải né tránh kẻ thù có thể khiến người Aché chấp nhận một thái độ đặc biệt khắc nghiệt đối với bất cứ ai có thể trở thành gánh nặng với bầy.

Sự thật là xã hội Aché, giống như bất cứ xã hội loài người nào, đều rất phức tạp. Chúng ta không nên biến họ thành ác quỷ hoặc thiên thần, khi sự hiểu biết về họ còn rất hời hợt. Aché không phải thiên thần cũng không phải ác quỷ, họ là những con người. Và những người săn bắt hái lượm cổ đại cũng vậy.

Nói chuyện về những hồn ma
Chúng ta có thể nói gì về đời sống tâm linh và tinh thần của người sản bắt hái lượm cổ đại? Các nền tảng của nền kinh tế hái lượm có thể được tái tạo khá chắc chắn dựa trên các yếu tố định lượng và khách quan. Ví dụ, chúng ta có thể tính toán một người cần bao nhiêu calo mỗi ngày để tồn tại, nhận bao nhiêu calo từ 1 kg quả óc chó, và có bao nhiêu quả óc chó có thể thu thập được từ một cánh rừng có diện tích 1 km². Với dữ liệu này, chúng ta có thể dự đoán một cách khoa học về tầm quan trọng của quả óc chó trong chế độ ăn uống của họ.

Nhưng liệu họ có coi quả óc chó là một món khoái khẩu hay một thứ đáng ngán? Họ có tin rằng cây óc chó là nơi các linh hồn ẩn náu? Họ có thấy lá cây óc chó đẹp? Nếu một chàng trai cổ đại muốn dẫn một cô gái đến một nơi lãng mạn, liệu bóng mát của một cây óc chó có đủ? Theo đúng định nghĩa, thế giới của tư tưởng, niềm tin và cảm giác rất khó giải mã.

Hầu hết các học giả đều đồng ý rằng niềm tin vật linh rất phổ biến trong xã hội kiếm ăn cổ xưa. Thuyết vật linh (xuất phát từ “anima” nghĩa là “linh hồn” hay “tinh thần” trong tiếng Latin) là tín ngưỡng cho rằng hầu hết mọi địa điểm, mọi con vật, mọi cây cối và mọi hiện tượng tự nhiên đều có nhận thức và cảm xúc, có thể giao tiếp trực tiếp với con người. Do đó, người theo thuyết vật linh có thể tin rằng tảng đá lớn trên đỉnh đồi có những ham muốn và nhu cầu. Tảng đá có thể tức giận về điều gì đó mà con người đã làm và vui mừng bởi một số hành động khác. Tảng đá có thể nhắc nhở con người hoặc đưa ra ước nguyện. Về phần mình, con người có thể tác động lên tảng đá bằng cách xoa dịu hoặc đe dọa nó. Không chỉ tảng đá, mà cây sồi ở chân đồi cũng là một thực thể sống, và cũng vậy, là dòng nước chảy dưới đồi, dòng suối chảy qua khoảng rừng trống, những bụi cây mọc xung quanh, con đường mòn dẫn đến bãi đất trống, các con chuột đồng, chó sói và quạ uống nước ở đó. Trong thế giới của những người vật linh, các vật thể và sinh vật không phải là các thực thể duy nhất có linh hồn. Còn có các thực thể phi vật chất – linh hồn của người chết, những loài thân thiện và ác độc, những gì mà ngày nay chúng ta gọi là ác quỷ, tiên hay thiên thần.

Thuyết vật linh tin rằng không có rào cản giữa con người và các thực thể khác. Tất cả đều có thể giao tiếp trực tiếp qua lời nói, bài hát, vũ điệu và buổi tế lễ. Một thợ săn có thể nói chuyện với một đàn hươu và xin một con trong đàn hiến sinh. Nếu cuộc đi săn thành công, thợ săn có thể xin con vật bị giết tha thứ cho anh ta. Khi có người ốm đau một shaman có thể liên hệ với linh hồn gây ra bệnh tật và cố gắng làm nó yên lòng hay đuổi nó đi. Nếu cần, shaman có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ các linh hồn khác. Đặc điểm chung của mọi hành vi giao tiếp này là các thực thể được liên hệ đều là những thực thể địa phương. Đấy không phải là những vị thần phổ quát, mà là một con nai cụ thể, một cái cây cụ thể, một dòng suối cụ thể, một con ma cụ thể.

Không có rào cản giữa con người và những thực thể khác, cũng như không có một hệ thống phân tầng nghiêm ngặt. Những thực thể phi nhân tồn tại không đơn thuần là để cấp cho các nhu cầu của con người, cũng không phải là những đấng toàn năng vận hành thế giới theo ý muốn của chúng. Thế giới không xoay quanh con người hoặc nhóm thực thể cụ thể nào.

Thuyết vật linh không phải là một tôn giáo cụ thể. Nó là tên gọi chung cho hàng ngàn tôn giáo, giáo phái và tín ngưỡng rất khác nhau. Cách tiếp cận phổ biến này làm cho tất cả chúng mang tính “vật linh” đối với thế giới và vị trí của con người trong đó. Khi nói rằng những người hái lượm cổ đại có lẽ theo thuyết vật linh, cũng giống như nói rằng những người làm ruộng thời tiền hiện đại chủ yếu là hữu thần. Thuyết hữu thần (bắt nguồn từ “theos” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “thần linh”) là quan điểm cho rằng trật tự vũ trụ được dựa trên mối quan hệ có thứ bậc giữa con người và một nhóm nhỏ những thực thể siêu phàm được gọi là các vị thần. Nói rằng những người làm ruộng thời tiền hiện đại thường tin vào các vị thần thì đúng, nhưng nó không giúp chúng ta hiểu hơn về những trường hợp riêng biệt. Các nhóm được xếp vào nhóm “hữu thần” bao gồm các giáo sĩ Do Thái từ thế kỷ thứ 18 ở Ba Lan, những người Thanh giáo thiêu sống phù thủy từ thế kỷ 17 ở Massachusetts, các giáo sĩ Aztec từ thế kỷ 15 ở Mexico, những tín đồ Sufi thần bí từ thế kỷ 12 ở Iran, những chiến binh Viking thế kỷ 10, những lính lê dương La Mã thế kỷ 2, và các quan lại Trung Hoa thế kỷ 1. Mỗi nhóm đều xem niềm tin và thực hành của các nhóm khác là hết sức kỳ lạ và dị giáo. Những khác biệt giữa niềm tin và thực hành của các nhóm hái lượm theo thuyết vật linh có lẽ cũng lớn như vậy. Trải nghiệm tôn giáo của họ có thể đã từng hỗn loạn và chứa đầy những cuộc tranh cãi, cải cách và cách mạng.

Nhưng những sự khái quát thận trọng này là tất cả những gì chúng ta có thể làm. Bất kỳ một cố gắng nào nhằm mô tả các chi tiết của thế giới tâm linh cổ xưa đều có tính suy đoán rất cao, bởi không có bằng chứng đi kèm, và một ít chứng cứ chúng ta có – một vài đồ chế tác và các bức vẽ trong hang động – có thể được giải thích theo nhiều cách. Những lý thuyết của các học giả tuyên bố hiểu được cảm giác của những người săn bắt hái lượm, chỉ càng làm sáng tỏ những định kiến của các học giả hơn là về các tôn giáo Thời kỳ Đồ đá.

Thay vì đưa ra hàng núi lý thuyết dựa trên một đụn đất của những di tích mộ cổ, các bức vẽ trong hang động và những hoá thạch bằng xương, tốt hơn là nên thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta chỉ có những ý niệm mờ nhạt nhất về các tôn giáo của người hái lượm cổ xưa. Chúng ta giả định rằng họ theo thuyết vật linh, nhưng điều đó cũng chẳng đem lại nhiều thông tin. Chúng ta không biết họ cầu nguyện các linh hồn nào, họ tổ chức ăn mừng gì trong các lễ hội, hoặc họ tuân theo những điều cấm kị gì. Quan trọng nhất, chúng ta không biết gì về những câu chuyện họ kể. Đây là một trong những lỗ hổng lớn nhất trong hiểu biết của chúng ta về lịch sử nhân loại.

*

Thế giới chính trị xã hội của người hái lượm là một lĩnh vực khác mà chúng ta gần như không biết gì. Như đã giải thích ở trên, các học giả thậm chí không thể đồng ý về những điều cơ bản, chẳng hạn như sự tồn tại của sở hữu tư nhân, gia đình hạt nhân và mối quan hệ một vợ một chồng. Có khả năng là các bộ lạc khác nhau có cấu trúc khác nhau. Một số có thể đã theo định chế thứ bậc, căng thẳng và bạo lực như nhóm tinh tinh dơ dáy, trong khi những nhóm khác lại dễ dãi, yên bình và dâm đãng như bầy tinh tinh lùn.

Hình 7. Một bức tranh ở hang Lascaux cách đây khoảng 15.000-20.000 năm. Chính xác thì chúng ta thấy gì, và ý nghĩa của bức tranh là gì? Một số người cho là nhìn thấy một người đàn ông với cái đầu hình chim và dương vật cương cứng, bị một con bò rừng giết chết. Bên dưới người đàn ông là một con chim khác có thể tượng trưng cho linh hồn, thoát ra từ cơ thể vào lúc chết. Nếu vậy, bức tranh không mô tả một tai nạn tầm thường, mà là sự chuyển dịch từ thế giới này sang thế giới tiếp theo. Nhưng chúng ta không có cách nào để biết liệu các suy đoán này có đúng không. Đó là một thử nghiệm Rorschach trong đó tiết lộ nhiều về những định kiến của các học giả hiện đại, và rất ít về niềm tin của những người hái lượm cổ đại.

Hình 7. Một bức tranh ở hang Lascaux cách đây khoảng 15.000-20.000 năm. Chính xác thì chúng ta thấy gì, và ý nghĩa của bức tranh là gì? Một số người cho là nhìn thấy một người đàn ông với cái đầu hình chim và dương vật cương cứng, bị một con bò rừng giết chết. Bên dưới người đàn ông là một con chim khác có thể tượng trưng cho linh hồn, thoát ra từ cơ thể vào lúc chết. Nếu vậy, bức tranh không mô tả một tai nạn tầm thường, mà là sự chuyển dịch từ thế giới này sang thế giới tiếp theo. Nhưng chúng ta không có cách nào để biết liệu các suy đoán này có đúng không. Đó là một thử nghiệm Rorschach trong đó tiết lộ nhiều về những định kiến của các học giả hiện đại, và rất ít về niềm tin của những người hái lượm cổ đại.

Ở vùng Sungir của Nga vào năm 1955, các nhà khảo cổ học phát hiện một nghĩa địa cổ 30.000 năm thuộc một nền văn hoá voi ma-mút. Trong một ngôi mộ, họ tìm thấy bộ xương của một người đàn ông 50 tuổi, được bao phủ bởi những chuỗi hạt bằng ngà voi ma-mút, tổng số khoảng 3.000 hạt. Trên đầu người chết là chiếc mũ trang trí hàm răng con cáo, và trên cổ tay ông ta là 25 chiếc vòng đeo tay bằng ngà voi.

Các ngôi mộ khác ở cùng địa điểm đó có ít đồ tùy táng hơn. Các học giả suy luận rằng những người săn voi ma-mút Sungir đã sống trong một xã hội có thứ bậc, và rằng người đàn ông đã chết kia có lẽ là người đứng đầu một bầy hay một bộ lạc lớn gồm nhiều bầy nhỏ hơn. Bởi chỉ vài chục thành viên của một bộ lạc duy nhất khó có thể tạo ra nhiều đồ tùy táng đến thế.

Hình 8. Những người săn bát hái lượm tạo ra những dấu tay này cách đây khoảng 9.000 năm trong “Hang bàn tay” ở Argentina. Nhìn như thể những bàn tay đã chết từ lâu này đang vươn về phía chúng ta từ trong tảng đá. Đây là một trong những di tích cảm động nhất của thế giới cổ đại, nhưng không ai biết nó có nghĩa gì.

Hình 8. Những người săn bát hái lượm tạo ra những dấu tay này cách đây khoảng 9.000 năm trong “Hang bàn tay” ở Argentina. Nhìn như thể những bàn tay đã chết từ lâu này đang vươn về phía chúng ta từ trong tảng đá. Đây là một trong những di tích cảm động nhất của thế giới cổ đại, nhưng không ai biết nó có nghĩa gì.

Các nhà khảo cổ học sau đó phát hiện ra một ngôi mộ thậm chí còn thú vị hơn. Nó chứa hai bộ xương, chôn nối đầu nhau. Một thuộc về một cậu bé ở độ tuổi khoảng 12 hay 13, và một thuộc về một cô bé khoảng 9 hoặc 10 tuổi. Cậu bé được bao phủ với 3.000 hạt ngà voi, được đội một chiếc mũ răng cáo và một chiếc thắt lưng được kết từ 250 chiếc răng cáo (ít nhất phải nhổ hết răng của 60 con cáo mới có được nhiều răng tới vậy). Cô bé được trang trí với 5.250 hạt ngà voi. Quanh hai đứa trẻ là những bức tượng nhỏ và nhiều đồ vật khác nhau làm từ ngà voi. Một nam hoặc nữ nghệ nhân lành nghề có lẽ cần khoảng 45 phút để làm được một hạt ngà voi như thế. Nói cách khác, việc trang trí hơn 10.000 hạt ngà voi bao phủ hai đứa trẻ, chưa kể đến các vật trang trí khác nữa, đã tốn ít nhất 7.500 giờ làm việc tỉ mỉ, tinh xảo, tức là hơn ba năm lao động của một nghệ nhân giàu kinh nghiệm!

Ở một độ tuổi non trẻ như vậy, hai đứa trẻ Sungir khó có thể là những nhà lãnh đạo hay những người săn voi ma-mút lành nghề. Chỉ có niềm tin văn hoá mới có thể giải thích tại sao chúng lại được chôn cất xa hoa đến vậy. Một giả thuyết cho rằng chúng có được thứ bậc cao quý từ cha mẹ mình. Có lẽ chúng là con của người đứng đầu, trong một nền văn hoá tin tưởng vào uy tín gia đình hoặc các quy tắc kế vị nghiêm ngặt. Theo giả thuyết thứ hai, hai đứa trẻ đã được xác định ngay từ lúc sinh ra như là hiện thân của các linh hồn đã chết từ lâu. Một giả thuyết thứ ba cho rằng việc chôn cất trẻ em như vậy phản ánh cách mà chúng chết hơn là thứ bậc của chúng trong cuộc sống. Chúng đã được hiến tế – có lẽ như một phần của nghi lễ chôn cất người đứng đầu – và sau đó được chôn với nghi thức đầy trang trọng.

Dù giả thuyết nào đúng đi nữa, hai đứa trẻ Sungir vẫn là một trong những bằng chứng tốt nhất về việc cách đây 30.000 năm, Sapiens đã có thể phát minh ra các quy định chính trị xã hội vượt xa các mệnh lệnh trong ADN của họ và các mô hình hành vi của những loài người và loài động vật khác.

Hòa bình hay chiến tranh?
Cuối cùng, có một câu hỏi hóc búa về vai trò của chiến tranh trong các xã hội cổ đại. Một số học giả hình dung về các xã hội săn bắt hái lượm cổ đại như những thiên đường bình yên, lập luận rằng chiến tranh và bạo lực chỉ bắt đầu với Cách mạng Nông nghiệp, khi mọi người bắt đầu tích lũy tài sản tư nhân. Các học giả khác khẳng định rằng thế giới của người hái lượm cổ đại cực kỳ tàn nhẫn và bạo lực. Cả hai trường phái tư tưởng trên giống như là những lâu đài trên mây, kết nối với mặt đất bằng các sợi dây mỏng manh từ những di vật khảo cổ ít ỏi và những quan sát nhân học từ người hái lượm ngày nay.

Các bằng chứng nhân học tuy rất hấp dẫn, nhưng tồn tại rất nhiều vấn đề. Những người hái lượm ngày nay sống chủ yếu ở các khu vực cô lập và khắc nghiệt, như Bắc cực hay Kalahari, nơi mật độ dân số rất thấp và cơ hội đánh nhau rất hạn chế. Hơn nữa, trong các thế hệ gần đây, người hái lượm ngày càng là đối tượng thuộc thẩm quyền của các nhà nước hiện đại, nhằm ngăn chặn sự bùng nổ các cuộc xung đột quy mô lớn. Các học giả châu Âu đã chỉ có hai cơ hội để quan sát các quần thể lớn và tương đối dày đặc của những người hái lượm độc lập: một là ở phía tây bắc của Bắc Mỹ vào thế kỷ 19, và một là ở Bắc Úc vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cả hai nền văn hoá của thổ dân châu Mỹ và châu Úc đều chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang thường xuyên. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi là không biết điều này đại diện cho một tình trạng “phi thời gian” hay là do tác động của chủ nghĩa đế quốc châu Âu.

Những phát hiện khảo cổ học đều vừa hiếm hoi vừa không rõ ràng. Manh mối nào còn tồn tại về cuộc chiến tranh nào đó đã xảy ra hàng chục ngàn năm trước? Thời đó không có hào lũy và tường thành, không có đạn pháo hoặc kể cả gươm và khiên. Một ngọn giáo cổ xưa có thể đã được sử dụng trong chiến tranh, nhưng nó cũng có thể đã được sử dụng trong một cuộc đi săn. Hoá thạch xương người cũng khó mà giải thích. Một vết nứt gãy có thể chỉ ra một vết thương chiến tranh hoặc một tai nạn. Cũng không phải là nếu thiếu vắng những vết nứt gãy xương hay các vết cắt trên một bộ xương thì chúng ta có thể kết luận rằng bộ xương cổ đại đó thuộc về một người chết không do bạo lực. Chấn thương mô mềm không để lại dấu vết trên xương cũng có thể dẫn đến cái chết. Thậm chí quan trọng hơn, trong chiến tranh thời kỳ tiền công nghiệp, hơn 90% nạn nhân chiến tranh đã chết vì đói rét và bệnh tật chứ không phải do vũ khí. Hãy tưởng tượng rằng 30.000 năm trước, một bộ lạc đã đánh bại hàng xóm của mình và trục xuất họ ra khỏi lãnh thổ đang sinh sống. Trong trận quyết chiến, 10 thành viên của bộ lạc thua trận đã bị giết. Trong năm sau, 100 thành viên của bộ lạc chết vì đói rét và bệnh tật. Các nhà khảo cổ học khi xem qua 110 bộ xương có thể dễ dàng kết luận rằng nạn nhân chết do thảm họa thiên nhiên nào đó. Làm thế nào chúng ta có thể nói rằng tất cả họ đều là nạn nhân của một cuộc chiến tranh tàn nhẫn?

Màn cảnh báo đã xong, và giờ thì chúng ta có thể chuyển sang những phát hiện khảo cổ học. Tại Bồ Đào Nha, một cuộc khảo sát đã được thực hiện trên 400 bộ xương từ thời kỳ ngay trước Cách mạng Nông nghiệp. Chỉ có hai bộ xương cho thấy dấu hiệu rõ ràng về bạo lực. Một cuộc khảo sát tương tự trên 400 bộ xương cùng thời kỳ tại Israel phát hiện một vết nứt duy nhất trên một hộp sọ duy nhất, có thể là do bạo lực của con người. Cuộc khảo sát thứ ba trên 400 bộ xương từ nhiều di chỉ thời kỳ tiền nông nghiệp ở thung lũng sông Danube cho thấy bằng chứng của bạo lực trên 18 bộ xương. 18 trong tổng số 400 nghe có vẻ không nhiều, nhưng nó thực sự là một tỉ lệ rất cao. Nếu tất cả 18 bộ xương đó thực sự là kết quả của những cái chết dữ dội, có nghĩa là khoảng 4,5% các ca tử vong ở thung lũng sông Danube cổ xưa có nguyên nhân từ bạo lực của con người. Ngày nay, tỉ lệ trung bình trên toàn thế giới chỉ là 1,5%, tính cả chiến tranh và tội phạm. Trong thế kỷ 20, chỉ có 5% trường hợp tử vong do bạo lực của con người, và đây là thế kỷ chứng kiến các cuộc chiến tranh đẫm máu nhất và nạn diệt chủng lớn nhất trong lịch sử. Nếu đây là trường hợp điển hình, thì thung lũng sông Danube cổ đại cũng bạo lực không kém gì thế kỷ 20.*

Những phát hiện buồn từ thung lũng sống Danube được hỗ trợ bởi một chuỗi các kết quả thất vọng ngang vậy được phát hiện từ các khu vực khác. Tại Jabl Sahaba ở Sudan, một nghĩa địa 12.000 năm tuổi chứa 59 bộ xương được phát hiện. Đầu mũi tên và mũi giáo được tìm thấy trong tình trạng đâm sâu vào trong hoặc nằm gần xương của 24 bộ xương, chiếm 40%. Bộ xương của một người phụ nữ có tới 12 vết thương. Trong hang Ofnet ở Bavaria, các nhà khảo cổ học còn phát hiện hài cốt của 38 người hái lượm, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị ném vào hai hố chôn tập thể. Một nửa các bộ xương, gồm cả trẻ em và trẻ sơ sinh, mang rõ dấu hiệu bị tấn công bởi vũ khí của con người như mác và dao. Một vài bộ xương thuộc về nam giới trưởng thành có những dấu hiệu bạo lực tồi tệ nhất. Có khả năng là toàn bộ một bầy người hái lượm đã bị tàn sát tại Ofnet.

Vậy bằng chứng nào đại diện tốt hơn cho thế giới của những người hái lượm cổ xưa: các bộ xương yên bình từ Israel và Bồ Đào Nha, hay các lò giết mổ của Jabl Sahaba và Ofnet? Câu trả lời là cả hai đều không. Cũng như khi thể hiện sự đa dạng trong các tôn giáo và cấu trúc xã hội, liệu người hái lượm có thể hiện những mức độ bạo lực khác nhau? Trong khi một số khu vực và một số thời điểm có thể được hưởng sự hòa bình và yên tĩnh, thì số khác lại bị xé nát bởi các cuộc xung đột dữ dội.

Bức màn im lặng
Nếu việc tái tạo một bức tranh tổng quát về cuộc sống của con người cổ đại là không hề dễ, thì các sự kiện cụ thể còn gần như vĩnh viễn không thể phục hồi. Khi một bầy Sapiens lần đầu tiên bước vào một thung lũng của Neanderthal, những năm tiếp theo có thể đã chứng kiến một bộ phim lịch sử hấp dẫn. Thật không may, không gì có thể tồn tại từ một cuộc gặp gỡ như vậy, ngoại trừ trong trường hợp tốt nhất là một vài khúc xương hoá thạch và một số ít các công cụ bằng đá, dù vẫn câm nín dưới những tìm tòi khoa học quyết liệt nhất. Chúng ta có thể trích xuất từ chúng thông tin về cơ thể, công nghệ, chế độ ăn uống, và thậm chí cả cấu trúc xã hội của con người. Nhưng chúng chẳng tiết lộ điều gì về liên minh chính trị giữa các bầy Sapiens láng giềng, về linh hồn của người chết ban phước cho liên minh này, hoặc về hạt ngà voi bí mật trao cho các thầy lang phù thủy địa phương để đảm bảo phước lành của các linh hồn.

Bức màn im lặng này kéo dài hàng chục ngàn năm lịch sử. Mấy thiên niên kỷ dài này cũng có thể đã chứng kiến các cuộc chiến tranh và cách mạng, những phong trào tôn giáo sôi sục, những lý thuyết triết học sâu xa, những kiệt tác nghệ thuật có một không hai. Người hái lượm có thể đã có những Napoleon-chinh-phục-tất-cả, người cai trị những đế quốc có quy mô bằng một nửa Luxembourg; có những Beethoven thiên tài dù không có dàn nhạc giao hưởng nhưng vẫn làm người ta rơi nước mắt bằng tiếng sáo trúc của mình; và những nhà tiên tri uy tín như Muhammad đã tiết lộ lời của một cây sồi tại địa phương, chứ không phải của một đấng sáng tạo phổ quát. Nhưng tất cả đều chỉ là phỏng đoán đơn thuần. Bức màn im lặng dày tới mức chúng ta thậm chí không thể dám chắc những điều đó đã xảy ra hay không, nói gì đến việc mô tả chúng chi tiết.

Các học giả có xu hướng chỉ đặt ra những câu hỏi mà họ có thể kỳ vọng có câu trả lời hợp lý. Nếu không có những công cụ khảo cứu mới, chúng ta sẽ không bao giờ biết được người hái lượm cổ đại tin gì hoặc đời sống chính trị của họ ra sao. Song, việc đặt ra những câu hỏi hiện chưa có câu trả lời vẫn rất quan trọng, nếu không chúng ta sẽ dễ bỏ qua 60.000 đến 70.000 năm lịch sử nhân loại với lời biện minh rằng “những người sống vào thời đó chẳng làm được gì quan trọng”.

Sự thật là họ đã làm được nhiều điều lớn lao. Đặc biệt, họ định hình thế giới xung quanh chúng ta ở mức độ lớn hơn nhiều những gì mọi người vẫn tưởng. Những khách bộ hành thăm lãnh nguyên Siberia, những sa mạc ở trung tâm nước Úc và các khu rừng nhiệt đới Amazon, tin rằng họ đã bước vào cảnh quan nguyên sơ, hầu như chưa bị tàn phá bởi bàn tay con người. Nhưng đó là một ảo tưởng. Những người hái lượm đã ở đó trước chúng ta, họ đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ ngay cả đối với những khu rừng dày đặc nhất và những cánh đồng vắng hoang vu nhất. Chương tiếp theo giải thích cách người hái lượm định hình lại hoàn toàn hệ sinh thái của hành tinh chúng ta từ rất lâu trước khi các làng nông nghiệp đầu tiên được xây dựng. Các bầy Sapiens lang thang biết kể chuyện mang sức mạnh quan trọng nhất và phá hoại nhất mà thế giới động vật từng sản sinh.